Đừng “đua” cân nặng, hãy chú trọng phát triển trí não & tăng cường miễn dịch cho con

Bs CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Bs CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Tháng 11 27, 2021

Tìm kiếm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho con, mẹ đừng quá chú trọng vào mục tiêu cân nặng. Hệ miễn dịch và sự phát triển trí não mới là 2 yếu tố quan trọng trong giai đoạn đầu đời.

Những khảo sát thực tế cho thấy, các bà mẹ Việt đang quan tâm quá nhiều đến cân nặng của con. Khi tìm kiếm các nguồn dinh dưỡng bổ sung cho trẻ, mẹ thường tập trung sự chú ý vào sữa nào giúp bé chóng tăng cân và quên mất rằng trí não mới là bộ phận phát triển nhanh chóng và gần như hoàn thiện trong giai đoạn ‘cửa sổ vàng’.

Cân nặng ư? Mẹ đừng áp lực!

Trẻ em dưới 5 tuổi tuy tăng trưởng rất nhanh nhưng tốc độ tăng không ổn định và các bé sẽ có những giai đoạn phát triển khác nhau. Bé có thể chậm tăng cân tạm thời trong một số giai đoạn nhất định (mọc răng, mới đi nhà trẻ…) nhưng lại bắt nhịp tăng trưởng rất nhanh sau đó.

Vì vậy, mẹ không nên quá áp lực với vấn đề cân nặng của trẻ. Mẹ lưu ý rằng kể cả trong bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng luôn là một khoảng dao động. Ví dụ bé trai 12 tháng có cân nặng bình thường là 8.7-10.7kg. Chỉ khi trẻ dưới mức chuẩn, hoặc trong trường hợp 3 tháng liên tục biểu đồ tăng trưởng cân nặng của trẻ đều nằm ngang/ đi xuống (bé đứng cân/ giảm cân trong 3 tháng liên tục) mới thật sự cần theo dõi chặt chẽ và thăm khám, tìm nguyên nhân.

Để đánh giá chung về các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, chiều cao và cân nặng chỉ là 1 trong số 6 yếu tố quan trọng nhất mà thôi. Muốn kết luận bé có đang phát triển tốt hay không, mẹ cần dựa trên đánh giá cụ thể của bác sĩ/ chuyên gia hoặc dựa trên tổng thể 6 câu hỏi sau đây:

1. Chiều cao và cân nặng của trẻ có lệch quá nhiều so với bảng tiêu chuẩn của WHO hay không?

2. Bé có các phản xạ ngôn ngữ đúng theo độ tuổi không?

3. Bé có thực hiện được các vận động thô (lật, đẩy, ngồi chống đỡ, ngồi dựa, đứng có tay vịn, đứng không cần vịn…) theo độ tuổi tương ứng không?

4. Bé có thực hiện được các vận động tinh (cầm nắm vật lớn nhỏ, viết vẽ…) theo bảng kỹ năng tính theo độ tuổi không?

5. Giải quyết vấn đề: Bé có các hoạt động như đẩy vú ra khỏi miệng khi đã bú no, cầm đồ vật nhấc lên hạ xuống… hay không?

6. Giao tiếp xã hội: Bé có cười khi “nói chuyện” với mẹ? Bé có những cử chỉ cố tập nói, chỉ cho mẹ những vật bé thích, nhún nhảy khi mẹ hát… hay không?

Và đây mới là 2 yếu tố quan trọng mẹ đừng bỏ qua trong giai đoạn đầu đời của trẻ

Trên thực tế, có 2 yếu tố khác khó nhận biết hơn, nhưng lại đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu đời của bé. Đó chính là sự phát triển của hệ miễn dịch và trí não trong thời kỳ “cửa sổ vàng”. Theo các tổng hợp của Unicef nếu trẻ được bổ sung đầy đủ dưỡng chất quan trọng cho trí não trong thời kỳ này thì khả năng đọc và làm toán trong độ tuổi 8 – 9 sẽ cao hơn bạn cùng trang lứa.

“Cửa sổ vàng” cũng là khung thời gian quan trọng cho sự phát triển và nuôi dưỡng hệ miễn dịch của trẻ. Chính hệ miễn dịch nếu phát triển tốt sẽ giúp trẻ tránh được nhiều bệnh nhiễm trùng, từ đó khỏe mạnh và năng động, tăng khả năng học hỏi để phát triển trí não hoàn thiện hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc vui chơi năng động trong những năm đầu đời sẽ giúp kích thích trẻ tò mò, sáng tạo, cách giải quyết vấn đề và phát triển cảm xúc lên rất nhiều. Và rõ ràng, trẻ chỉ có thể thoải mái vận động, vui chơi để học hỏi tốt hơn từ nền tảng một sức đề kháng tốt.

Các bậc cha mẹ cũng đừng quên dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng “hệ thống phòng vệ của cơ thể” và phát triển trí não. Hãy cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng tối ưu để bé có được lợi ích kép: Phát triển tốt cả hệ miễn dịch lẫn trí não trong giai đoạn đầu đời.

Đọc thêm

Gangliosides - dưỡng chất có trong sữa mẹ được chứng minh giúp chỉ số IQ của trẻ cao hơn - bé tài trí hơn
Dinh dưỡng 5G1- Miễn dịch khỏe, nhanh trí tựa “5G”